[Tùy Bút] Mai Vàng
Từ xưa, người chơi hoa đã đưa triết lý cuộc sống, nhân sinh quan, thế giới quan mà tạo thế cho Mai, làm cho Mai không chỉ đẹp mà còn hữu ý thể hiện cả lẽ sống của người chơi hoa.
Nhiều nghệ nhân chơi Mai còn đưa cả nền tảng đạo đức truyền thống dân tộc thể hiện trong từng dáng Mai “phụ tử”, “huynh đệ”, “bằng hữu”, “mẫu tử”… thể hiện quan hệ đạo đức con người trong dáng “tiều phu quảy tử”… Các nghệ nhân còn thể hiện mối quan hệ con người với vũ trụ qua mỗi thế Mai như “nghinh phong”, “xung phong”, “nhất trụ khi thiên”, v.v… Xuân về cũng là dịp để những người đã bỏ nhiều công sức chăm chút cho từng thân cây, cành lộc hoàn tất công trình nghệ thuật của mình. Đó là cả một sự nhẫn nại, bền chí và đặc biệt là sự sáng tạo nghệ thuật, sao cho mỗi mùa Xuân đến mỗi cây Mai mang mỗi dáng vẻ khác nhau từ hình dáng, thế cây, nhánh hoa, tàn lá theo quan niệm chung về cây cảnh: nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ điệp. Để có được một cây Mai “vào thế”, người trồng cây phải mất nhiều năm chăm sóc, uốn tỉa nâng niu sao cho đủ tầng, đủ nhánh. Mai Chiếu Thủy theo thế âm dương thì cây âm bên dưới phải có 3 tầng, 1 ngọn; cây dương bên trên phải có 5 tầng, 1 ngọn. Phương Nam – một vùng đất mới với hầu hết là dân lưu cư, mở đất, cùng sống chan hòa trên một vùng đất sông nối sông, đồng nối đồng, nương tựa vào nhau giữa “thâm lâm cùng cốc” ở một vùng đất đai, sông nước đầy chướng khí, mong sao gia đình sum vầy, làng xóm quây quần. Trên bước đường mở đất, có phải chăng những tiền hiền, khai cơ đã bắt gặp một loài hoa đẹp nở rộ đúng vào mỗi độ Xuân về mà Mai vàng đã trở thành “sứ giả”, biểu tượng cho mùa Xuân phương Nam. Và, có phải vì vậy mà người dân phương Nam khi nhắc đến Tết là nhắc đến Mai vàng. Nhưng Mai vàng phương Nam ngày nay không còn là một loài hoa 5 cánh như nó từng vốn có. Các nghệ nhân đã ghép rất nhiều loại Mai: Mai Sa Đéc 9 cánh, Mai Mỹ Tho 24 cánh, Mai Gò Đen 48 cánh, Mai Bến Tre 120 cánh, v.v… Màu hoa Mai giờ đây cũng đã được các nghệ nhân làm cho phong phú hơn lên: từ vàng tươi, vàng nhạt, vàng mơ, vàng chanh, vàng thau, vàng nghệ, vàng cam đến ngay trên cùng một cánh hoa cũng đã có viền vàng ven một sắc vàng, trên cùng một thân cây ra hoa Mai vàng với những sắc độ khác nhau, số cánh khác nhau. Và, tùy vào mỗi giống mà bông Mai nhỏ hay lớn, nhụy thẳng hay cong, lá cuốn hay thẳng, v.v… Để một cành Mai tròn đầy căng nụ, rực hoa thì người trồng cây phải mất nhiều năm chăm sóc để biết “nết cây” ra hoa sớm hay muộn, người trồng phải nhạy cảm với thời tiết để tỉa cành, tuốt lá, kích thích ra hoa để có một cành Mai, một cây Mai bung nụ rực vàng đúng vào đêm Giao thừa. Mùa Xuân năm nay, các làng Mai Hiệp Bình Chánh, Bình Triệu, Bình Chánh 1, Bình Chánh 2 (nằm cách trung tâm Sài Gòn qua con sông Sài Gòn, bên kia cầu Bình Triệu) lại vào Xuân. Ngoài làng hoa ở huyện Bình Chánh vừa mới xây dựng, so với làng hoa Gò Vấp thì làng hoa Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) là một trong những làng hoa ven thành phố hình thành và phát triển khá lâu đời. Do nhiều áp lực, trong đó có áp lực đô thị hóa nên hiện nay làng hoa Hiệp Bình Chánh diện tích còn khoảng 6 ha. Ở đây có những nghệ nhân như ông Nguyễn Văn Ghép (ấp Bình Triệu) trồng hoa suốt hơn 30 năm nay. Với diện tích 3.000 mét vuông, ông Nguyễn Văn Ghép trồng luân phiên 2.000 gốc Mai và hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây Mai kiểng. Ngoài ra còn có hàng trăm hộ dân khác ở ấp Bình Triệu, Bình Chánh 1 và 2 cũng khá lên nhờ có công với Mai. Chuẩn bị cho cái Tết Giáp Thân năm 2004, ngay từ tháng 11 âm lịch, các thương lái đã lũ lượt kéo về các vườn Mai ở Hiệp Bình Chánh để chọn lựa, ngã giá mua cả những luống “Mai lá”, rồi gởi lại các “vườn chủ” để tiếp tục tự chăm bón cho đến giáp Tết (rằm tháng Chạp) thì vặt lá, cây nhỏ thì cho vào bội trúc, cây lớn hoặc có dáng đẹp thì cho vào chậu sành với tiền nào của nấy. Ngoài những cây Mai bứng nguyên gốc rễ đưa vào chậu bán cho người chở Mai, các thương lái và chủ vườn còn cắt những cành Mai đang căng nụ bán cho các “gia chủ” chưng trong mấy ngày Tết… Vào dịp Tết, việc mua Mai thường là người chủ gia đình, thể hiện quan niệm thẩm mỹ trong cách chọn Mai. Tùy vào không gian nội thất mà người chủ nhà chọn Mai cành lớn hay nhỏ, lão Mai hay dáng trực, gió lùa hay thác đổ, ngũ phúc hay song long, phụ tử, mẫu tử hay tam đa, tam tài, v.v… để đặt vào chậu tròn hay chậu dẹt, ô van hay lục giác… – đều tùy thuộc vào con mắt thẩm mỹ của người chủ gia đình để cùng cả nhà, làng xóm vui vầy đón chào Xuân, mong cho năm mới được an khang và thịnh vượng. Đón mừng năm mới, trong những ngày trời trở bấc se lạnh, những bàn tay vàng của những nghệ nhân trồng cây cảnh đến những người trồng cây trong những khoảnh vườn nhà, đang âm thầm vun trồng cho những cành Mai nở rộ đúng Xuân, giữ hương, giữ sắc cho đất trời phương Nam, mừng đất nước thêm một tuổi mới. |
Để lại một đánh giá
Bạn có muốn tham gia cuộc trao đổi?Có thể thỏa sức thảo luận!