Mai vàng Việt Nam
Ở Việt Nam, mai vàng là một loài cây cảnh rất phổ biến ở từ miền Trung trở vào. Nó được trồng rộng rãi trong vườn nhà, làm cây cảnh trồng chậu, bonsai.
Nhưng sử dụng nhiều nhất vẫn là vào dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền vì đây là một loài hoa chưng tết chủ đạo. Cây mai ngày tết được xem như là vật mang lại may mắn cho năm mới nên người ta rất kị nếu chưng cành mai mà đúng mùng một không nở hoặc héo rũ.
Việc miền Bắc chơi đào, trong miền Nam chơi mai trong dịp Tết được giải thích là sau khi mở rộng bờ cõi về phương Nam vốn có khí hậu nóng hơn không thích hợp với việc trồng đào, mỗi khi Tết đến, những người đi mở đất nhớ đến cành đào ngoài Bắc nhưng không thể có được đã chọn mai (một cây hoa rất phổ biến ở trong Nam, đẹp, nhiều hoa lại nở đúng mùa Tết) để thay thế.
TạiViệt Nam loài mai vàng phổ biến nhất là mai vàng năm cánh (danh pháp khoa học: Ochna integerrima). Loài này phân bố nhiều nhất tại những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn và các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng cho tới Khánh Hòa. Các vùng núi ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều loài hoa này, ở cao nguyên cũng có, song số lượng ít hơn .
Loài mai vàng mọc hoang dã trong rừng có từ 5 đến 9 cánh, song đôi khi lên đến 12 – 18 cánh, gọi là “mai núi” (Ochna integerrima (lour.)Merr.). Ở Tây Nguyên và Campuchia, mai núi phân bố khá rộng khắp. Ngoài ra, còn có loài mai rừng với thân màu nâu, lá to xanh bóng, có răng cưa ở viền lá, hoa vàng mọc thành chùm theo dạng chủy nên được gọi là “mai chủy”. Một loài mai vàng khác mọc ở triền cát, ở những khu rừng ven biển được gọi là “mai động”. Loài mai này có thân suông, tròn, hoa trổ chi chít trên cành. Nếu chúng có hoa với năm cánh nhỏ thì gọi là “mai sẻ”. Mai động hay mai sẻ phân bố rải rác ở các tỉnh miền trung từ Quảng Bình, Quảng Trị trở vào miền nam, cho tới tận Đồng Nai và Tây Ninh…. Xét về góc độ sai hoa, ngoài mai sẻ, còn phải nhắc đến “mai chùm gởi”. Loài này có thân cứng, trên cành mọc lên những khối u, chung quanh khối u đâm ra rất nhiều tược non và từ đó nụ hoa mọc ra khá dầy, hoa nở san sát vào nhau tạo thành bó. Người ta còn gọi loài này là “mai tỳ bà” hay “mai vương”. Thông thường, mai vàng có mùi hương rất khó nhận ra, song ở Việt Nam có loài mai vàng năm cánh hương thơm lại đậm hơn những loài mai khác nên được gọi là “mai hương”. Nó còn tên khác là “mai thơm” (thường được trồng ở Bến Tre) hay “mai ngự” (mọc khá nhiều ở Huế)”. Riêng loài mai có cánh hoa lớn hơn kích cỡ bình thường được gọi là “mai châu” (đọc trại từ “trâu” thành “châu”). Loài có nụ hoa nhỏ, cánh dài và nhọn, được gọi là “mai cánh nhọn”. Có loài mai vàng 5 cánh bình thường, nhưng cành nhánh mềm mại, rũ xuống như cây liễu nên được gọi là “mai liễu”. Ở khu rừng Cà Ná có loài cây mai thân nhỏ èo uột, cành rất giòn, lá hình bầu dục, trơn và có răng cưa mịn gọi là “mai rừng Cà Ná”. Ngoài ra, còn có loài mai thân rất nặng (gấp rưởi thân cây mai bình thường) gọi là “mai đá” hay “mai Vĩnh Hảo”. Loài này thân cứng, cành giòn, lá nhỏ, hoa to và phẳng, lâu tàn.
Mai Tứ quý
Là một loại hoa mai vàng nhưng sau khi rụng cánh hoa còn lại đài hoa đỏ và hạt xanh (khi chín hạt sẽ chuyển thành màu đen), chính vì vậy loài mai này còn có tên là “Nhị độ mai” tức “mai nở hai lần”, tên khoa học là Ochna atropurpurea.
Mai vàng nhiều cánh
Là loại mai vàng có nhiều cánh do lai tạo hoặc chọn lọc tự nhiên,chọn giống cải tạo dần. Mai nhiều cánh ở Việt Nam gồm có: Mai giảo Thủ Đức (12 cánh thẳng, 2 tầng cánh); mai 12 cánh Bến Tre (loại hoa chùm, cánh hoa lớn hơn mai giảo Thủ Đức); mai 18 cánh Bến Tranh (3 tầng cánh, cánh hoa hơi nhỏ); mai 12-14 cánh Tư Giỏi (3 tầng cánh); mai Cửu Long 24 cánh (3 tầng cánh); mai cúc Thủ Đức (24 cánh, 3 tầng cánh); mai BB hay mai Ba Bi (24-32 cánh, 3 tầng cánh), rất giống mai cúc Thủ Đức nhưng nhiều cánh và hoa to hơn; mai 24 cánh chín Đợi (hoa vàng rất to, nở thẳng); mai 48 cánh Gò Đen (5-6 tầng cánh); mai 120-150 cánh Bến Tre (rất nhiều tầng cánh, giống như cúc Mâm xôi, nở tròn, to đẹp).
Nhìn chung, ở Việt Nam người ta chỉ xác định được tên khoa học của vài loài mai là Ochna integerrima (mai vàng năm cánh); Ochna integerrima (lour.)Merr (mai núi) và Ochna atropurpurea (mai tứ quý). Riêng về mai tứ quý, ngoài tên khoa học Ochna atropurpurea, chúng còn những tên khác là Ochna atropurpurea DC, Ochna serrulata hay Ochna integerrima (theo cách gọi của Thái Lan). Tất cả những loài mai khác, kể cả mai giảo và mai ghép nhiều cánh, đều chưa có tên khoa học.
Để lại một đánh giá
Bạn có muốn tham gia cuộc trao đổi?Có thể thỏa sức thảo luận!